Do đặc thù quản lý tàu biển thường xuyên đi xa, từ năm 2005, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) đã quan tâm đến cải cách TTHC, tạo điều kiện cho việc đăng ký tàu biển, thuyền viên. Cũng chính Cục Hàng hải đã chủ động đề xuất với Bộ GTVT có thông tư thí điểm về việc tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam chạy tuyến nội địa được làm thủ tục qua mạng.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, từ tháng 5/2015 đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ GTVT và Tổng cục Hải quan thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 3 TTHC cho tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại 9 khu vực cảng biển, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Đồng Nai.
Trong năm 2016, các cảng vụ hàng hải vẫn duy trì tốt hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến này. Cụ thể, tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận, phê duyệt cho tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại 9 cảng vụ hàng hải trong năm là 23.993 hồ sơ.
Theo kế hoạch, năm 2017, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan quản lý Nhà nước tại cảng biển để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tới toàn bộ các khu vực cảng biển trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Cục đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với 2 TTHC cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển từ ngày 1/3/2016 tại toàn bộ các khu vực cảng biển Việt Nam (25 cảng vụ hàng hải). Tổng số hồ sơ điện tử được các cảng vụ hàng hải tiếp nhận, phê duyệt từ tháng 3 đến hết 31/12/2016 là 11.081 hồ sơ.
“Tất cả giấy tờ, thủ tục được đưa lên mạng, chủ tàu không phải đến các cảng vụ để làm thủ tục nữa”, ông Sang thông tin.
Đặc biệt, do đặc thù của ngành hàng hải, nhiều phương tiện tàu thuyền không có máy tính kết nối internet để làm thủ tục trực tuyến, nên Cục Hàng hải đã cùng với Trung tâm CNTT thiết lập tổng đài làm thủ tục điện tử cho phương tiện thuỷ nội địa vào, rời cảng biển. Hiện nay, Tổng đài làm thủ tục điện tử qua tin nhắn (Tổng đài 8085) đang được thực hiện thí điểm tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cảng vụ Hàng hải TPHCM. Trong thời gian tới, Trung tâm CNTT sẽ hoàn thiện các tính năng, tiện ích của Tổng đài 8085 để đưa vào sử dụng rộng rãi trên các cảng khác của cả nước.
Ngoài ra, để quản lý thuyền viên, từ cuối tháng 9/2015, Cục Hải hàng đã xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với 21 TTHC về quản lý thuyền viên tại 18 cơ quan đăng ký thuyền viên của Cục và 15 cảng vụ. Trong năm 2016, các cơ quan đăng ký thuyền viên vẫn tiếp tục duy trì việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến này. Tổng số hồ sơ điện tử được các cơ quan đăng ký thuyền viên tiếp nhận, phê duyệt là 508 hồ sơ.
Hướng đến mục tiêu thuận tiện và minh bạch
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết, ngành hàng hải đã thực hiện cải cách TTHC từ rất lâu và cũng là một trong những ngành đi trước trong cải cách TTHC.
“Kể từ khi có Công ước quốc tế về tạo thuận lợi về cơ chế cho các tàu biển đi đến cảng (FAL 65), TTHC đã rất thuận tiện. Và mọi việc càng đi vào nề nếp hơn kể từ khi có Nghị định số 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/7/2006 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải. Khi có Nghị định 71, từ chỗ các đơn vị làm TTHC thành lập đoàn 10-15 người xuống tàu làm thủ tục, đã chuyển thành làm thủ tục tại trụ sở cảng vụ. Tất cả đầu mối tập trung vào một phòng ở cảng vụ, đại lý tàu chỉ cần đến đó là làm được toàn bộ thủ tục, thời gian rất nhanh”.
Thế nhưng, theo ông Sang, dù TTHC đã thuận lợi hơn trước, các đại lý vẫn phải từ tàu lên trụ sở cảng vụ, nên vẫn mất nhiều thời gian, đặc biệt với tàu ở xa phải đi đò từ tàu vào bờ, rồi từ bến đò đến cảng vụ.
“Vì vậy, Cục Hàng hải đã đề xuất lên Bộ GTVT và Bộ đồng ý ngay ra Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT ngày 24/9/2015 quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam. Theo đó, toàn bộ các hồ sơ phải trình đều được cập nhật trong phần mềm chung của Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm, Cục Đường thủy nội địa. Người làm thủ tục chỉ việc tra cứu và không cần yêu cầu chủ tàu xuất trình nữa”, lãnh đạo Cục Hàng hải nói.
Về các khó khăn trong cải cách TTHC, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết, đó là việc nộp tiền. Các chủ tàu có thể chuyển tiền qua ngân hàng, nhưng chủ các xà lan, ghe lại quen dùng tiền mặt. Khúc mắc này nằm ngoài khả năng của ngành GTVT và phải trông chờ vào việc thanh toán điện tử qua ngân hàng, cũng như bản thân người làm thủ tục.
Để gỡ “nút thắt” này, ông Sang cho biết: “Chúng tôi đang suy nghĩ theo hướng để các chủ tàu, ghe, xà lan không phải lên trụ sở cảng vụ, mà có thể lên bất kỳ ngân hàng nào ở gần đó, hoặc hướng đến việc nộp tiền trước, ký quỹ rồi trừ dần”.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải, Cục đang tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ cho các chủ tàu, thuyền viên với mục tiêu, người làm thủ tục không phải đến các cảng vụ để làm thủ tục, mà tất cả thông qua mạng. Việc này không những tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu, thuyền viên, mà còn giúp minh bạch, rõ ràng, vì cơ sở dữ liệu của tàu thuyền do 3 đơn vị quản lý gồm Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa. Một mình Cục Hàng hải không thể can thiệp được.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng khẳng định: Với việc cần thiết tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh xuất nhập nhẩu, thúc ép về việc tinh giảm biên chế,… thì buộc phải cải cách TTHC, “không cải cách là chết”.
Có thể thấy, việc cải cách TTHC không những tạo điều kiện tối đa cho chủ tàu, thuyền viên, mà còn giúp công việc “chạy” hơn, lại cắt giảm tối đa nhân sự.
Cụ thể, tại cảng Hải Phòng và TPHCM, trung bình một ngày có khoảng 100 lượt tàu biển, 1.000 lượt phương tiện thủy nội địa ra vào, mặc dù chỉ có 2 nhân viên thay phiên nhau xử lý thủ tục đăng ký tàu biển, thuyền viên, nhưng công việc vẫn chạy băng băng, thời gian chờ đợi gần như không có, chứng tỏ việc cải cách TTHC ở các cảng vụ đã phát huy hiệu quả.